Các doanh nghiệp ASEAN sẽ đầu tư lớn hơn vào bán dẫn, AI ở Việt Nam - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-05 09:49:00
- OTHER
Điều này được các doanh nghiệp ASEAN chia sẻ tại tọa đàm do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều 4/3 nhằm trao đổi các vướng mắc và thúc đẩy đầu tư, thương mại.
Đây là cuộc làm việc thứ 8 trong khoảng một tuần qua, cuộc làm việc thứ 10 trong gần 1 tháng qua của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, các ngân hàng trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới.
Ngoài lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, dự tọa đàm còn có các đại sứ, đại biện, tham tán các nước ASEAN tại Việt Nam; lãnh đạo các doanh nghiệp ASEAN tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: VGP
Trước đó, Thủ tướng đã chủ trì các tọa đàm với đại diện các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp, công ty lớn từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.
Mong Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, có khung pháp lý rõ ràng, thực thi nhất quán
Tại toạ đàm, đại diện các nước ASEAN tại Việt Nam và doanh nghiệp ASEAN tại Việt Nam bày tỏ sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp ASEAN đề nghị, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, có khung pháp lý rõ ràng, thực thi nhất quán. Ảnh: VGP.
Các doanh nghiệp ASEAN cho biết, tiếp tục đầu tư lớn hơn vào Việt Nam trong những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, nhu cầu, nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hàng không, năng lượng, thương mại điện tử, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, tài chính, logistics…
Doanh nghiệp ASEAN đề nghị, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, có khung pháp lý rõ ràng, thực thi nhất quán; tiếp tục hợp lý hoá và minh bạch thực thi chính sách về thuế; đơn giản hoá thủ tục thông quan; xoá bỏ các rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu.
Ngoài ra, họ cũng khuyến nghị Việt Nam có chính sách cấp giấy phép lao động và visa cởi mở, thống nhất; chính sách thông thoáng hơn về sử dụng đất, sở hữu nhà cho người nước ngoài; đơn giản hoá, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp phép đầu tư; cấp điện ổn định với giá phù hợp...
Tăng cường hơn nữa đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam
Kết luận toạ đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các góp ý để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng phản hồi, làm rõ một số vấn đề cụ thể được các doanh nghiệp ASEAN quan tâm, đề xuất như về giá mua bán điện của các dự án điện tại Việt Nam; thủ tục cấp phép, đầu tư, hoạt động ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; các vướng mắc trong đầu tư phát triển ngành logistics, phát triển thương mại điện tử, sản xuất nông nghiệp sạch; chính sách về đất đai…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam đang nỗ lực giải quyết; nếu doanh nghiệp còn vướng mắc thì tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết trên tinh thần thẳng thắn, bình đẳng.
Thủ tướng nêu một số đề xuất, định hướng hợp tác với các doanh nghiệp ASEAN nói chung cũng như đề xuất cụ thể với doanh nghiệp từng nước ASEAN nói riêng.
Về các đề xuất chung, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tăng cường hơn nữa đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, công nghệ nguồn; góp ý hoàn thiện thể chế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị, kinh nghiệm quản lý thông minh; phấn đấu có những dự án hợp tác kinh tế mang tính biểu tượng giữa Việt Nam và các nước ASEAN.
Thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN, nhất là kết nối giao thông, kết nối thanh toán, kết nối du lịch; gồm cả kết nối mềm (xây dựng thể chế, hài hòa hóa quy định, thủ tục, nhất là thông quan; chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên) và kết nối cứng (hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối năng lượng).
Về một số đề xuất cụ thể, với doanh nghiệp Singapore (đứng thứ 2 thế giới trong đầu tư vào Việt Nam), Thủ tướng đề nghị tham gia tích cực cùng Chính phủ hai nước triển khai hiệu quả Hiệp định Khung về Kết nối hai nền kinh tế và Quan hệ kinh tế xanh - kinh tế số Việt Nam - Singapore, trước mắt trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch.
Tiếp tục mở rộng và chuyển đổi các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) thế hệ mới là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước, theo mô hình thông minh, xanh, bền vững, kết hợp phát triển các hệ sinh thái khu công nghiệp - khoa học công nghệ - thương mại - đô thị.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Singapore nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; giúp phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực.
Với doanh nghiệp Thái Lan (là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN), Thủ tướng đề nghị thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; chú trọng triển khai Chiến lược Ba kết nối, đặc biệt là kết nối chuỗi cung ứng và các lĩnh vực chiến lược như giao thông vận tải, du lịch, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Với doanh nghiệp Malaysia (là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN), Thủ tướng đề nghị tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam về quy trình sản xuất và cấp chứng nhận Halal; tăng nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam.
Cùng với đó, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng cao như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp thông minh, chính phủ điện tử, an ninh mạng...
Với Indonesia (đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN), Thủ tướng đề nghị giảm rào cản thương mại, trong đó có hàng nông sản và các sản phẩm Halal của Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 20 tỷ USD.
Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng cho biết, công ty VinFast đã cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD phát triển hệ sinh thái xe điện và pin xe điện ở Indonesia.
Với Philippines, Thủ tướng đề nghị phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 10 tỷ USD thông qua hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản, các sản phẩm trái cây, rau quả... Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, nhất là các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh như công nghệ chế biến, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ ô tô, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Thủ tướng cho biết với doanh nghiệp các nước khác trong khu vực, phía Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi hợp tác; đồng thời mong tình hình Myanmar sớm ổn định để có thể thúc đẩy, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN trong năm 2024 đạt 83,6 tỷ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Nhiều nước ASEAN nằm trong top đầu những nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Trong đó, Singapore là quốc gia đứng đầu ASEAN đầu tư vào Việt Nam, với 3.946 dự án, đạt 84,3 tỷ USD; Thái Lan 755 dự án, đạt 14,3 tỷ USD; Malaysia có 767 dự án, đạt 12,9 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 871 dự án tại các nước ASEAN với tổng số vốn đạt gần 12,1 tỷ USD, lần lượt là Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore...