Chấm dứt xung đột Nga – Ukraine: Ván cờ nằm trong tay những nước lớn - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-02-27 05:37:00
  • OTHER

Việc Mỹ đảo ngược chính sách ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã khiến dư luận trái chiều.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250227/images/2025SB4213-21.jpg

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài 3 năm. Ảnh: NewYork Times

Mới đây, Mỹ đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đánh dấu sự thay đổi chính sách đáng kinh ngạc của Washington.

Theo CNN, tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ) ngày 24-2, với 93 nước bỏ phiếu thuận và 18 nước, bao gồm cả Mỹ, Nga, Belarus và Triều Tiên, bỏ phiếu chống, nghị quyết do Ukraine và châu Âu hậu thuẫn đã được thông qua, lên án Matxcơva trong cuộc xung đột với Kiev và kêu gọi Nga rút hết quân “ngay lập tức và vô điều kiện” khỏi nước láng giềng.

Sau đó cùng ngày, Mỹ một lần nữa bỏ phiếu giống Nga tại HĐBALHQ, ủng hộ một nghị quyết do Washington đề xuất, trong đó không lên án Matxcơva hay đề cập đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nghị quyết cuối cùng được HĐBA phê chuẩn với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng sau khi các nỗ lực của châu Âu nhằm trì hoãn cuộc họp đã thất bại. 

Các diễn biến trên của Mỹ phản ánh nước này bất đồng quan điểm với các đồng minh lâu năm tại châu Âu và thay vào đó đứng về phía “đối thủ” lâu nay đúng vào dịp kỷ niệm 3 năm diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Động thái diễn ra khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi các cuộc đàm phán với Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Các nghị quyết mà Đại Hội đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc xung đột. Không quốc gia thành viên nào có quyền phủ quyết tại Đại Hội đồng.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng: “Các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi hôm nay đã tận mắt chứng kiến con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine sẽ không hề dễ dàng và nhiều bên cố trì hoãn hòa bình lâu nhất có thể. Nhưng chúng ta không nên bị cản trở bởi điều này”.

Tổng thư ký LHQ António Guterres một lần nữa tái khẳng định sự cấp thiết phải xây dựng một nền hòa bình công bằng, bền vững và toàn diện, đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với các đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận, phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Ông Guterres hoan nghênh mọi nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đồng thời nhấn mạnh LHQ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến một cách hiệu quả.

Các đối tác châu Âu cũng đã nhanh chóng điều chỉnh theo sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng hôm 24-2 để thảo luận về các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và khoảng cách ngày càng lớn giữa Washington và châu Âu về tương lai của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mỹ gần đây quyết định đàm phán với Nga để tìm giải pháp cho chiến sự Ukraine, gạt Kiev cùng các đồng minh châu Âu khỏi bàn thương lượng. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là “độc tài không tổ chức bầu cử” và nói rằng ông Zelensky nên nhanh chóng đạt được hòa bình, nếu không sẽ mất cả đất nước.

Nhiều yếu tố bất lợi đang dồn về phía Ukraine khi Mỹ đảo ngược nước cờ ủng hộ Kiev. Điều này khiến giới phân tích quan ngại “ván cờ” đang nằm trong tay những nước lớn nên Ukraine khó có thể đạt được yêu sách trong đàm phán hòa bình nếu không đánh đổi bằng tài nguyên.

HN tổng hợp

Link gốc