Đầu tư công là 'chìa khóa' thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt trội - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-13 09:58:00
  • OTHER

Theo UOB, tỷ lệ đầu tư vốn của Việt Nam đã duy trì quanh mức 30% GDP trong ít nhất một thập kỷ qua, trong khi Trung Quốc vẫn luôn duy trì trên 40% GDP. Điều này cho thấy, Việt Nam có dư địa để đẩy mạnh đầu tư công, không chỉ để mở rộng tăng trưởng mà còn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực nếu thương mại gặp suy thoái.

UOB cho rằng, đầu tư công là 'chìa khóa' thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt trội. Ảnh: Trọng Hiếu

GDP thực tế của Việt Nam trong quý IV/2024 tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, nối dài đà tăng từ mức 7,43% đã được điều chỉnh trong quý III/2024 và vượt xa kỳ vọng của thị trường.

Với ba quý liên tiếp đạt kết quả mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,09% trong năm 2024, cao hơn đáng kể với mức 5,1% của năm 2023, vượt qua mức dự báo chung là 6,7%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đợt phục hồi sau COVID vào năm 2022 (8,1%).

Cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều là động lực chính của tăng trưởng trong quý IV/2024, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ trong hầu hết năm 2024.

Theo đó, năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam khoảng 23,9 tỷ USD - là năm thứ chín liên tiếp ghi nhận thặng dư thương mại, yếu tố quan trọng giúp ổn định tỷ giá VND.

Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào thương mại quốc tế thể hiện rõ qua những biến động mạnh của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2023-2024. Năm 2023, sự sụt giảm xuất khẩu đã kéo tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể, trong khi đà bứt phá của xuất khẩu năm 2024 giúp nền kinh tế đạt kết quả tốt nhất kể từ năm 2022. Giá trị xuất khẩu tương đương khoảng 90% GDP Việt Nam năm 2024 – mức cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore (174%) và cao hơn Malaysia (69%) ở vị trí thứ ba.

Độ mở kinh tế cao cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị tổn thương trước những gián đoạn và xung đột trong thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tập trung các biện pháp giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần kể từ năm 2016, lên 124 tỷ USD vào năm 2024.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn vào năm 2025, UOB cho rằng, chỉ với xuất khẩu và sản xuất sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt trội.

Theo đó, Việt Nam sẽ cần tăng cường đầu tư vốn, đặc biệt từ khu vực đầu tư công, không chỉ để mở rộng tăng trưởng mà còn để giảm thiểu tác động tiêu cực nếu thương mại gặp suy thoái.

Tỷ lệ đầu tư vốn của Việt Nam đã duy trì quanh mức 30% GDP trong ít nhất một thập kỷ qua. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vẫn luôn duy trì trên 40% GDP trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy Việt Nam đang đầu tư ở mức thấp hơn so với nước láng giềng lớn, và rõ ràng có cơ sở để đẩy mạnh đầu tư công, nhất là khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai, báo cáo UOB nhấn mạnh.

UOB cũng duy trì quan điểm lạc quan nhưng thận trọng về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam và giữ nguyên dự báo cả năm 2025 ở mức 7,0%, với giả định GDP quý I/2025 đạt 7,1%.

Đến năm 2026, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 7,4%, nhờ vào các biện pháp cải thiện hiệu quả của Chính phủ.

Về chính sách tiền tệ, UOB cho rằng, NHNN không chịu áp lực phải nới lỏng chính sách trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump và sức mạnh của đồng USD trở thành mối lo ngại mới, NHNN dự kiến sẽ theo dõi chặt chẽ các áp lực giảm giá đối với VND. Do đó, quyết định hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại là duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50%.

Đình Vũ-Link gốc