Doanh nghiệp Nauy mong muốn tham gia sâu hơn vào ngành vận tải biển Việt Nam - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-05 17:08:00
- OTHER
Hàng hải xanh sẽ sớm mở ra các cơ hội mới để chính phủ và các công ty của cả Việt Nam lẫn Nauy hợp tác với nhau, theo Đại sứ Nauy.
Bảy doanh nghiệp hàng đầu của Nauy trong lĩnh vực hàng hải đang tham dự Triển lãm chuyên ngành hàng hải VietShip 2025 nhằm giới thiệu các sáng kiến đổi mới và giải pháp tiên tiến trong ngành hàng hải xanh, đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Giáp nhiều biển thuộc Đại Tây Dương, Nauy là quốc gia vận tải biển có bề dày lịch sử lâu đời và hiện đang dẫn đầu xu hướng xanh hóa ngành trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu. Minh chứng cho điều này là từ cách đây 10 năm, Nauy đã sản xuất phà MV Ampere - phà ô tô chạy bằng pin đầu tiên trên thế giới.
Cụm công nghiệp hàng hải của Nauy được coi là một trong những cụm chuyên ngành toàn diện nhất thế giới bao gồm tất cả các chủ thể liên quan như hãng tàu, công ty môi giới, dịch vụ bảo hiểm và tài chính, tổ chức đánh giá phân loại, xưởng đóng tàu, các công ty sản xuất thiết bị tàu biển, giáo dục hàng hải, nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng hải…
Trong số 7 công ty Nauy có mặt tại triển lãm, Vard, Jotun, DNV, và Metizoft đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ba công ty còn lại gồm Bergen Engines AS, Brødrene Aa và Brunvoll AS là những công ty mới đang bắt đầu quá trình tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Đại sứ Nauy Hilde Solbakken phát biểu khai mạc Gian hàng Nauy tại VietShip. Ảnh: Minh Tuấn
Phát biểu khai mạc Gian hàng Nauy tại VietShip ngày 5/3, Đại sứ Nauy Hilde Solbakken nói, 7 công ty Nauy là những đại diện tiêu biểu cho cụm công nghiệp hàng hải của Nauy.
Gian hàng Nauy sẽ là nơi các công ty giới thiệu các giải pháp và công nghệ hàng hải tiên tiến của mình, đồng thời cũng là nơi để họ trao đổi kiến thức, mở rộng mạng lưới kinh doanh và thảo luận các cơ hội hợp tác tiềm năng với các đối tác trong nước vì mục tiêu phát triển xanh hóa và giảm phát thải khí carbon của ngành hàng hải ở Việt Nam và trên toàn cầu, Đại sứ nói thêm.
Ngành vận tải biển hiện chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu và có thể tăng lên 10-13% trong vài thập kỷ tới nếu không có hành động sớm. Tháng 7/2023, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua một chiến lược trong đó đặt mục tiêu tham vọng là giảm về 0 mức phát thải khí nhà kính ròng của hoạt động vận tải biển quốc tế vào năm 2050.
Đại sứ đánh giá, cả Việt Nam và Nauy đều là các quốc gia biển và thành viên của IMO, hàng hải xanh sẽ sớm mở ra các cơ hội mới để chính phủ và các công ty của hai nước hợp tác với nhau.
Thực hiện hải trình xanh là mối quan tâm chung của chúng ta, vì vậy tôi hy vọng sẽ có những mối quan hệ đối tác mới giữa các công ty Nauy và Việt Nam được thiết lập tại Vieéthip, Đại sứ nói.
Cơ hội lớn từ thị trường hàng hải Việt Nam
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lukasz Luwanski, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương & Ấn Độ, Công ty DNV – có lịch sử hiện diện tại Việt Nam kể từ năm 1993 cho biết, các xưởng đóng tàu lớn ở Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hoạt động hết công suất và đã đủ đơn hàng trong 3-4 năm tới.
Ông Lukasz Luwanski, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương & Ấn Độ, Công ty DNV. Ảnh: Minh Tuấn
Do đó, thị trường vận tải biển sẽ bị thiếu hụt tàu, và đây là cơ hội cho các tàu ở Việt Nam cải tạo kích cỡ. Đây cũng là cơ hội cho DNV, một tổ chức phân loại hàng đầu thế giới và cố vấn được công nhận cho ngành hàng hải, trong việc cải tạo tàu biển.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu phát triển ngành điện gió ngoài khơi với tham vọng phát triển lượng công suất chỉ sau Trung Quốc, DNV đang nghe ngóng cơ hội xây dựng các giàn nổi và cố định phục vụ ngành điện gió ngoài khơi. DNV có thể tham gia phê duyệt các cấu trúc điện gió ngoài khơi, phân loại các tàu tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
Tương tự, Metizoft, một công ty cung cấp các giải pháp bền vững cho ngành hàng hải, cũng nhận thấy tiềm năng kinh doanh ở Việt Nam.
Ông Clement Chang, CEO của Metizoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Minh Tuấn
Ông Clement Chang, CEO của Metizoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, hiện công ty này có 2 sản phẩm được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Thứ nhất, kiểm kê vật liệu nguy hại trên tàu theo Công ước Hồng Kông (HKC) được IMO thông qua tháng 5/2009 về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường.
Khi nhiều tàu Việt Nam đi đến các cảng quốc tế, Metizoft nhận thấy đây là một mảng rất tiềm năng, ông Chang nói. Công ty có thể cung cấp các chứng nhận để các tàu đáp ứng các tiêu chuẩn theo HKC.
Một mảng khác cũng nhiều tiềm năng là báo cáo ESG/Phát triển bền vững. Với dịch vụ của mình, Metizoft đánh giá xem các chủ sở hữu tàu, nhà cung cấp, xưởng đóng tàu… có đủ năng lực ESG hay không. ESG đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc cho nhiều công ty niêm yết trên thế giới và các công ty vừa và nhỏ đang dần áp dụng các tiêu chuẩn này.
“Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể chia sẻ với ngành công nghiệp hàng hải Việt Nam, để các công ty có thể đạt tầm quốc tế nhanh chóng”, ông Chang nói thêm.
Ông chia sẻ, công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tại đây.