Doanh nghiệp nhà nước muốn tự quyết về vấn đề tiền lương - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-08 21:39:00
- OTHER
Nhiều doanh nghiệp nhà nước đề xuất, với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chỉ quy định quản lý đến F1; doanh nghiệp tự quyết định về vấn đề tiền lương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Mạnh
Sáng 7.3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo - đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị về phạm vi điều chỉnh, không nên đưa doanh nghiệp cấp 2 vào đối tượng quản lý của luật này.
Đại diện PVN cũng góp ý về phân cấp, hình thức quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong điều kiện giả định chỉ quản lý đến F1; đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; đề xuất bổ sung quy định về xử lý rủi ro; có cơ chế đánh giá doanh nghiệp theo cả quá trình để phản ánh đúng hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng góp ý về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư; thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, kế hoạch 5 năm; cơ chế quản lý F2 nhằm tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; cơ chế quản lý quỹ đầu tư phát triển.
Đại diện Tổng Công ty Hàng hải (Vinaline) cho rằng, Luật này chỉ nên quy định khung, đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ; làm rõ nội hàm khái niệm Quỹ đầu tư phát triển;
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, cơ bản Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp; đồng ý chỉ quy định quản lý đến F1; doanh nghiệp tự quyết định về vấn đề tiền lương.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất doanh nghiệp tự quyết định về vấn đề tiền lương. Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, đại diện Tổng Công ty Hàng không thống nhất chỉ nên quản lý đến F1, quy định rõ trách nhiệm của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên đối với quản lý F2.
Tập đoàn Viettel cho rằng, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp để đưa vào dự thảo, nhất là quy định về tiền lương, thẩm quyền quyết định sản xuất kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Viettel cũng đồng tình với các kiến nghị của các doanh nghiệp khác về đối tượng áp dụng (chỉ nên quản lý với F1); thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường góp ý về quy định quản lý đối với việc đưa tài sản là kết cấu hạ tầng vào vốn; làm rõ quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu; thẩm quyền quyết định việc sắp xếp, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước theo quy mô vốn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kết luận. Ảnh: VGP
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến của doanh nghiệp, bộ ngành; hoàn thiện dự thảo, gửi Chính phủ trước ngày 11.3 tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm thiết kế luật quản lý theo dòng tiền, tăng cường phân cấp, phân quyền; Luật sửa đổi phải kế thừa những nội dung có giá trị trong luật hiện hành.
Về nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: Luật sửa đổi phải đảm bảo nguyên tắc chỗ nào có vốn nhà nước thì chỗ đó phải quản lý. Vấn đề là có hình thức quản lý phù hợp, hiệu quả.
Về khái niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khái niệm ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ quản lý đến doanh nghiệp F1. Từ F2 trở xuống giao cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quản lý, để vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy sự sáng tạo, chủ động.