Ngành may mặc Huế ‘khát’ lao động sau Tết - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-02-24 11:18:00
  • OTHER

Mặc dù đảm bảo đủ số lượng đơn hàng trong năm 2025, nhưng từ sau Tết Nguyên đán Ất tỵ nhiều doanh nghiệp may mặc tại Huế vẫn ‘đỏ mắt’ tìm nhân công.

Tháng 2/2025, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP. Huế tổ chức “Tháng giao dịch việc làm” đầu năm 2025.

Trong đó, các doanh nghiệp may mặc cần tuyển dụng với số lượng hơn 6.000 lao động, trong đó công nhân may chiếm khoản 50%, nhưng số lượng hồ sơ nộp tuyển dụng chỉ lác đác vài người.

Ngành dệt may Huế trong những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid – 19 đang dần có dấu hiệu khởi sắc, số lượng hàng đi châu Âu, châu Mỹ ngày càng nhiều. Nhiều doanh nghiệp dệt may dù chưa kết thúc năm 2024 nhưng đã ký kết hợp đồng sản xuất mới trong năm 2025.

Nhưng hiện nay với việc có thêm nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập số lượng lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp dệt may ngày càng giảm, số người lao động địa phương không tăng nhiều, nên bài toán tìm kiếm, tuyển dụng người lao động đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp càng trở nên nan giải.

Các doanh nghiệp dệt may tại Huế cho biết, nguồn nhân lực cho ngành may mặc tại địa phương này đến nay vẫn khan hiếm chủ yếu xuất phát từ khâu tạo nguồn, định hướng nghề nghiệp, quy mô đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Huế chưa có đầy đủ trang thiết bị, giảng viên để đào tạo ngành may.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250224/images/h1-1799-5522-1019.jpg
Các doanh nghiệp may mặc tại Huế đang thiếu hụt lượng lớn lao động. Ảnh: HT

Để giải quyết vấn đề trên, các doanh nghiệp dệt may tại Huế (chủ yếu là các doanh nghiệp FDI) đã thay đổi cách tuyển dụng lao động, chấp nhận tuyển lao động chưa qua đào tạo.

Công ty TNHH May mặc AMP Việt Nam (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Phong Điền đã chấp nhận tuyển mới những lao động chưa qua đào tạo, cùng với nhiều phúc lợi để có thể giữ chân công nhân.

Theo đó, đối với những lao động chưa qua đào tạo khi được tuyển vào làm việc sẽ được công ty hỗ trợ mức lương trong thời gian đào tạo 3 tháng là 3,8 triệu đồng/người/tháng và phụ cấp.

Một doanh nghiệp FDI khác chuyên về may mặc tại khu công nghiệp Phong Điền là công ty Scavi Huế (Pháp) cũng đã đưa ra nhiều chính sách để có thể tìm được 1.000 công nhân may và 500 người học nghề may, như tăng lương thực nhận, hỗ trợ con nhỏ với 400 nghìn đồng/tháng/thành viên; thưởng công nhân may khi ký hợp đồng chính thức, nhiều chế độ đãi ngộ về nhà ở, xe đưa đón, xây trường mầm non cho con em công nhân...

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm giới thiệu dịch vụ việc làm TP. Huế, trong tháng đầu năm 2025, đã có 35 đơn vị có nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng hơn 14.200 người, trình độ từ lao động phổ thông đến đại học trở lên.

Trong đó 18 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng gần 6.000 lao động trong nước; 13 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng gần 7.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 4 đơn vị tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp với số lượng khoảng 1.000 học viên.

Theo ông Thông để giải quyết tình trạng trên, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm lực lượng lao động tại tháng giao dịch việc làm với chủ đề “Mùa xuân kết nối việc làm” diễn ra từ 15/2 - 15/3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua sàn giao dịch việc làm; sẽ giao dịch, tư vấn, kết nối thường xuyên giữa người lao động với doanh nghiệp. Đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp sớm tuyển đủ nhu cầu lao động, cũng như tạo cơ hội hơn cho các lao động muốn có việc làm ổn định.

Link gốc