Nhà ở xã hội sẽ như 'nấm sau mưa', ngăn trục lợi cách nào? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-08 22:13:00
  • OTHER

Tại cuộc họp với Thủ tướng vừa diễn ra, loạt ông lớn như Vingroup, HUD hay Hoàng Quân… đều thể hiện sự tích cực tham gia vào làm nhà ở xã hội, hứa hẹn đẩy nguồn cung tăng mạnh. Bài toán đặt ra là làm sao để ngăn trục lợi, đưa nhà đến đúng người cần.

Tham gia hội nghị toàn quốc về tháo gỡ phát triển nhà xã hội vào ngày 6/3, đại diện Vingroup cho biết tập đoàn này đăng ký xây 500.000 căn nhà xã hội trong 5 năm tới, bằng một nửa đề án xây một triệu căn Thủ tướng giao đến năm 2030.

Không riêng Vinhomes, nhiều doanh nghiệp cũng cam kết hoàn thành số lượng lớn nhà xã hội. Điển hình, tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký thực hiện 50.000 căn.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng xác định từ nay đến năm 2026 triển khai 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong khi đó, Viglacera đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200, đã bàn giao 5.500 căn đi vào sử dụng tại Hà Nội.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250308/images/-2755-1741332642_1200x0.jpg

Tăng nguồn cung nhà ở xã hội không dễ, đưa được nhà đến đúng người có nhu cầu cũng là thách thức không nhỏ.

Việc hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thể hiện tham vọng lớn, nguồn cung nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ “như nấm sau mưa” trong nửa thập kỷ tới. Riêng trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đang đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn.

Nguồn cung chắc chắn sẽ được cải thiện với sự đồng hành của Chính phủ và quyết tâm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cách nào ngăn trục lợi, đưa nhà đến với đúng người cần, thay vì trở thành “món hàng” cho giới đầu cơ, đầu nậu.

Thực tế cho thấy, nhiều căn nhà ở xã hội đã đi vào sử dụng 5-7 năm hiện nay đã tăng giá gấp 3-4 lần so với thời điểm mở bán. Giá rao bán có nơi lên tới 50-60 triệu đồng/m2.

Điển hình, tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đang được môi giới rao bán căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ, với giá 4-4,2 tỷ đồng, tương đương bình quân 57-60 triệu đồng/m2. Theo lời môi giới, mức giá này “mềm” nhất so với các chung cư cùng khu vực.

Được biết, dự án nhà ở xã hội Đại Kim mở bán từ năm 2016 với giá hơn 14 triệu đồng/m2. Dự án được bàn giao từ cuối năm 2017 và đã đưa vào sử dụng được hơn 7 năm.

“Mức giá này rất rẻ nếu so với các khu căn hộ cùng khu vực như Five star kim giang, Riverside Garden... hiện có giá 80-90 triệu đồng/m2. Đặc biệt, với căn hộ mua bán qua 5 năm đến nay đã được miễn 50% tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng nên giúp tiết kiệm 100 - 200 triệu đồng/căn”, một môi giới thông tin với khách hỏi mua.

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được mở bán từ 2019, giá bán từ chủ đầu tư khoảng 15,6 -16,5 triệu đồng/m2. Đến nay, nhiều căn tại dự án này đang được rao bán lại với mức giá dao động từ 45-50 triệu đồng/m2, tăng gần gấp 3 lần so với lúc mở bán.

Không chỉ căn hộ tăng giá phi mã, không ít dự án nhà ở xã hội mới cũng đang có hiện tượng đầu nậu hay môi giới gom hàng để ăn chênh tiền tỷ.

Anh Lâm, quê Hưng Yên, với số vốn tích lũy gần 1 tỷ đồng, sau hơn 1 năm tìm kiếm tại các dự án nhà ở thương mại bất thành, vừa chuyển hướng sang nhà ở xã hội. Đầu tháng 3, anh được môi giới tư vấn mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội N01 Hạ Đình (huyện Thanh Trì).

Để tiết kiệm thời gian, môi giới tư vấn anh Lâm nên sử dụng dịch vụ trọn gói với chi phí 60-70 triệu đồng để làm hồ sơ. Tuy nhiên, ngay cả khi hồ sơ “không tì vết” thì khả năng mua được nhà cũng rất mong manh bởi tỉ lệ cạnh tranh rất lớn.

“Vì vậy, môi giới nói để chắc chắn mua được nhà, tôi có thể trả thêm khoảng 1 tỷ đồng để dành “suất ngoại giao”. Giá bán chủ đầu tư công bố vào khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2, tương đương 1,75 tỷ đồng/căn (70m2), nhưng với khoản chênh đóng thêm, giá nhà lên gần 3 tỷ đồng”, anh Lâm chia sẻ.

Chuyện nhà ở xã hội tăng giá mạnh, hoặc bị “đầu nậu” bán chênh vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, là chuyện không hiếm nếu không muốn nói là ngày càng phổ biến.

Dù chế tài đã có, tình trạng các đầu nậu, môi giới “tung chiêu” trục lợi từ dự án nhà xã hội vẫn diễn ra phổ biến. Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng các hành vi trên chủ yếu dừng ở mức xử lý hành chính với khung phạt còn thấp, chưa đủ răn đe so với những gì họ có thể trục lợi từ người mua.

Vấn nạn trên cũng là một phần lý do khi kết luận hội nghị gỡ khó cho nhà ở xã hội chiều 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình nhà ở này, trong đó đề nghị các doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng nhấn mạnh khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê... Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc, xử lý nghiêm các vụ việc lừa đảo, vi phạm pháp luật trong phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, theo chuyên gia, bản thân người mua nhà cần tìm hiểu kỹ về điều kiện pháp lý các dự án, chủ đầu tư, tiến độ dự án. Tuyệt đối không đặt cọc với đơn vị trung gian khi chưa có thông tin rõ ràng.

Mỹ Chi

Link gốc