Nhiều động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-05 21:02:00
- OTHER
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2025 được đánh giá là một năm bản lề, với nhiều chuyển biến quan trọng có thể giúp thị trường bất động sản phục hồi và bứt phá sau giai đoạn khó khăn. Sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự linh hoạt của các nhà đầu tư sẽ quyết định sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai.
Giới đầu tư kỳ vọng, 2025 là năm mở đầu cho chu kỳ mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh tư liệu
Sự hồi phục của nguồn cung rõ nét hơn
Bước sang năm 2025, thị trường bất động sản (BĐS) đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi từ những thông tin vĩ mô khi GDP và FDI của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, cung ứng vốn đi đôi với nâng cao chất lượng nhằm hỗ trợ cho thị trường phát triển lành mạnh.
Một trong những điểm sáng không thể không nhắc đến chính là các bộ luật liên quan đến bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững. Yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho quá trình phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS, mang đến nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư tham gia.
Chi phí tạo áp lực đầu vào cho giá thành
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định việc Chính phủ, Quốc hội quyết tâm tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt lên. Như vậy, cả nhu cầu thực và nhu cầu đầu tư có xu hướng tăng; giá bán năm 2025 có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn, song mức giá giảm sâu khó xảy ra vì giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành sản phẩm bất động sản.
Theo dự báo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sức nóng thị trường BĐS năm 2025 sẽ tỏa dần đều hơn giữa các khu vực; trong đó, miền Nam thấy dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt. Đặc biệt, các dự án pháp lý minh bạch tại các vùng có hạ tầng phát triển, tiềm năng cao vẫn là phân khúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ cho sự hồi phục của nguồn cung đang trở nên vững chắc hơn, thông qua các yếu tố như nỗ lực đẩy nhanh tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các dự án bất động sản thương mại và cam kết đẩy mạnh giải ngân, phát triển loại hình nhà ở xã hội từ Chính phủ và các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch tỉnh/thành phố sẽ tạo động lực phát triển dự án; các chính sách thúc đẩy đầu tư công, tăng trưởng tín dụng nhằm đạt mục tiêu GDP 8%. Ngoài ra, nguồn cung giai đoạn tới chủ yếu đến từ các chủ đầu tư nước ngoài và niêm yết lớn trong ngành, tập trung tại các khu đô thị lớn.
Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ năm 2025 được dự báo đạt 30.100 căn, chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp. Tính riêng nguồn cung mở bán dự kiến nằm trong các đại đô thị vùng ven của Vinhomes đã chiếm đến 30% trong tổng nguồn cung căn hộ mới. Dự kiến mức giá bán sơ cấp trung bình của các dự án tiếp tục neo cao và có sự phân hóa giữa nguồn cung từ một số chủ đầu tư.
Giải pháp giúp thị trường phát triển bền vững
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế Trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, thị trường BĐS đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang đứng trước nhiều động lực tăng trưởng từ kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và chính sách tiền tệ linh hoạt.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, thị trường cũng tồn tại những vướng mắc. Nổi bật hiện tại giá nhà tăng cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân - trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm; các chi phí đầu vào như tiền thuê đất, sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí tài chính, vật liệu xây dựng tăng cũng góp phần đẩy giá nhà đi lên.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giá nhà cao đang gây ra nhiều hệ lụy. Ông Lực tính toán với giá bán căn hộ bình quân hiện nay và mức thu nhập bình quân một hộ gia đình trong năm 2024, thời gian tích lũy đủ để mua một căn nhà khoảng 23,7 năm. Như vậy, một công chức làm việc gần hết đời mới mua nổi một căn hộ. Để người dân sớm được tiếp cận nhà ở, ổn định cuộc sống, chống lãng phí nguồn lực đất đai, mở đường cho kỷ nguyên mới của thị trường BĐS, ông Lực đề xuất một số giải pháp kéo giảm giá nhà. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai, BĐS, tài sản công và đầu tư công.
Thị trường BĐS là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp, tài chính, xây dựng và dịch vụ. Một thị trường BĐS phát triển bền vững không chỉ giúp ổn định mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự trỗi dậy của nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hai chữ số bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, thị trường BĐS cần phát triển ổn định, minh bạch và bền vững.
Để thị trường BĐS phát triển bền vững, PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất một số giải pháp quan trọng như cải cách thể chế, chính sách, thông qua việc xây dựng cơ chế hình thành giá BĐS, trọng tâm là giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đồng bộ hóa các luật liên quan, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần thị trường, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, bằng việc hạ mặt bằng lãi suất, phát triển các kênh huy động vốn đa dạng như quỹ đầu tư, tín dụng xanh, hạn chế phụ thuộc vào ngân hàng. Cùng với đó, là tăng cường minh bạch, quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường BĐS quốc gia, kiểm soát cung - cầu một cách hiệu quả...