Nhiều giải pháp đột phá cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-14 13:52:00
  • OTHER

 UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế 8%, bằng việc tận dụng đầu tư công, đưa vào vận hành các dự án đầu tư tư nhân, bất động sản, khai thác cát sông và xuất khẩu...

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250314/images/084948-lanh-dao-tinh-dong-thap-kiem-tra-tinh-hinh-khai-thac-cat-phuc-vu-cac-cong-trinh-cao-toc.jpg

Khai thác cát sông là một trong những dự án được UBND tỉnh Đồng Tháp đưa vào vận hành để góp phần tăng trưởng kinh tế 8%. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Trần Trí Quang – Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ngành tập trung vào giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng ít nhất 8%, trong tháng 3/2025 thực hiện nghiêm việc tiết kiệm, phòng chống lãng phí; quản lý tốt ngân sách địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công.

UBND tỉnh Đồng Tháp xác định động lực tăng trưởng là khu vực nông, lâm, thủy sản, tập trung khai thác 6 động lực chính là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị cao; phát triển sản xuất bền vững, chất lượng cao và hữu cơ; tăng sản lượng và hiệu quả chăn nuôi; khai thác thủy sản chủ lực; ứng dụng công nghệ và liên kết chuỗi giá trị; thực hiện canh tác xen canh.

Để giá trị GRDP khu vực 1 đạt hơn 22.000 tỷ đồng, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tập trung khai thác 5 động lực chính: nâng công suất các ngành công nghiệp chế biến (thủy sản, gạo, thực phẩm) từ 48% lên 53%; đưa các dự án mới vào hoạt động như 11 dự án công nghiệp dự kiến triển khai trong năm 2025, đóng góp khoảng 4.500 tỷ đồng vào giá trị sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn, khắc phục vấn đề thiếu lao động, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng khu, cụm công nghiệp ở Tân Kiều và Quảng Khánh, thu hút đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao; phục hồi ngành xây dựng nhờ bất động sản, khai thác mỏ cát vào cuối năm 2024, đầu năm 2025; tổng vốn đầu tư công 8.010 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2023.

Đối với Khu vực thương mại - dịch vụ, tập trung khai thác 4 động lực chính là kích cầu tiêu dùng và thương mại điện tử; tăng trưởng xuất khẩu; phát triển logistics và hạ tầng thương mại; khai thác du lịch và dịch vụ đêm. Giá trị GRDP khu vực 3 đặt mục tiêu đạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Trí Quang, đối với đột phá hạ tầng giao thông và logistics  - động lực chính cho tăng trưởng, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, giảm chi phí logistics, tăng khả năng kết nối vùng để thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

Trong quý I/2025, khẩn trương rà soát và hoàn thành việc phân bổ chi tiết phần vốn còn lại cho các dự án; kiên quyết cắt bỏ dự án chưa đủ thủ tục giao vốn để điều chuyển sang dự án đã đủ thủ tục, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên vùng có tính lan tỏa nhằm tạo động lực kết nối vùng và thúc đẩy giao thương hoặc dự án hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp trong nước và FDI. Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý và phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện để phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Giải pháp phát triển trong quý II/2025, các ngành liên quan, địa phương trong tỉnh Đồng Tháp tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, nhất là cát san lấp... quý III và IV.

Tỉnh tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng tâm như dự án trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XII. Điển hình là: Nâng cấp QL30 giai đoạn 3 - tuyến tránh thành phố Cao Lãnh; Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc; Cụm Công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1)...

Cùng đó là các dự án giao thông trọng điểm liên vùng, liên huyện như xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1; Dự án ĐT.857 (đoạn QL30-ĐT.845); Dự án ĐT 845; Dự án Bến phà An Phong - Tân Bình và tuyến đường kết nối; Dự án xây dựng cầu Phú Hiệp và cầu Cà Dâm; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp...; tập trung các dự án phát triển kinh tế - xã hội của 3 thành phố.

Tỉnh đang tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, động lực chính cho tăng trưởng. Theo đó, phấn đấu thu hút thêm 24 dự án đầu tư mới trong năm 2025, mỗi địa phương có thêm 2 dự án; trong đó có các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển. Khi các dự án đi vào hoạt động, đóng góp vốn đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến và xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch; tái cơ cấu nông nghiệp bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số... Năm 2025, Đồng Tháp phấn đấu thu ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng, qua đó góp phần tốt cho giải pháp tăng trưởng kinh tế 8%.

Nguyễn Văn Trí-Link gốc