Ồ ạt làm thủy điện nhỏ tại tỉnh miền núi Hà Giang - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-02 16:39:00
  • OTHER

Với lợi thế có nhiều sông suối, địa hình dốc nên khoảng 20 năm trở lại đây, tỉnh miền núi Hà Giang ồ ạt cấp phép làm thủy điện nhỏ.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250302/images/Thuy-Dien-Song-Mien6-02.jpg

Tỉnh Hà Giang hiện có hơn 70 dự án thủy điện trong quy hoạch, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ. Ảnh: Việt Bắc.

Quy hoạch tràn lan

Theo tìm hiểu của PV, đến tháng 2.2025, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 70 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất trên 1.062,8 MW. Trong đó, 41 nhà máy đang vận hành, tổng công suất trên 762 MW.

Nguồn thu lớn, thủy điện vẫn được xem như gà đẻ trứng vàng của tỉnh Hà Giang. Thực tế, ngay từ thời điểm năm 2005, trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quy hoạch 27 dự án (giai đoạn 1) với tổng công suất lắp máy 520 MW.

Đến tháng 8.2008, UBND tỉnh Hà Giang có Quyết định số 2737/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn (giai đoạn 2) gồm 34 dự án, chủ yếu là thủy điện nhỏ, tổng công suất lắp 80 MW.

Trong các năm 2009 và 2011, tỉnh Hà Giang tiếp tục bổ sung vào quy hoạch thêm 9 dự án thủy điện trên hệ thống sông Lô, sông Chảy và 2 dự án trên sông Miện với tổng công suất gần 176 MW.

Đầu năm 2013, sau khi thống nhất cùng Bộ Công Thương, tỉnh Hà Giang đã loại khỏi quy hoạch 27 dự án thủy điện, phần lớn trong số này là các thủy điện nhỏ có công suất dưới 3 MW.

Năm 2023, doanh thu các nhà máy thủy điện trên địa bàn Hà Giang đạt khoảng trên 2.470 tỉ đồng, đóng thuế VAT gần 300 tỉ đồng, phí dịch vụ môi trường trên 80 tỉ đồng. Thuế, phí từ các dự án thủy điện chiếm hơn 30% thu ngân sách nhà nước của tỉnh Hà Giang.

Mặc dù vậy, hệ lụy, tác động để lại sau một thời gian dài quy hoạch tràn lan, ồ ạt xây dựng thủy điện nhỏ là hiện hữu. PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam từng cho rằng, nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng.

Dường như các thủy điện nhỏ và vừa đang được làm bằng mọi giá, nhà đầu tư chỉ cố đặt cho được tuốc bin phát điện trên sông suối để thu tiền, PGS.TS Đào Trọng Tứ nhận định.

Những dòng sông quá tải thủy điện

Ngày 13.2, PV có mặt tại khu vực Nhà máy thủy điện Sông Miện 5A tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Mặc dù 1 trong 3 cửa xả của nhà máy thủy điện này có xả nước nhưng theo kiểu nhỏ giọt.

Trái ngược với cảnh đầy nước phía bên kia thân đập, phía hạ lưu theo hướng xuôi về TP Hà Giang, lòng sông Miện cạn trơ đáy, nhiều đoạn còn có thể lội qua được, dòng sông gần như ngừng chảy.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250302/images/Thuy-Dien-Song-Mien5.jpg

Phía hạ lưu nhà máy thủy điện Sông Miện 5A, dòng sông cạn kiệt nước khi thủy điện này tích nước, ngừng phát điện. Ảnh: Việt Bắc.

Phía hạ lưu nhà máy thủy điện Sông Miện 5A, dòng sông cạn kiệt nước khi thủy điện này tích nước, ngừng phát điện. Ảnh: Việt Bắc.
Anh Lý Văn Minh (xã Thuận Hòa) cho biết, người dân địa phương đã quá quen với tình trạng lòng sông phía sau thủy điện bị cạn khô. Từ ngày có thủy điện, việc đánh bắt tôm cá gần như không còn được như trước.

Khi họ đóng đập tích nước và không phát điện thì gần như không có nước chảy, nhìn ra lòng sông thì biết, cạn trơ sỏi đá. Khoảng vài tiếng mỗi ngày khi thủy điện phát điện thì sông Miện mới có nước, anh Minh nói.

Cách Sông Miện 5A chừng hơn 6km, thủy điện Sông Miện 6 tại TP Hà Giang cũng trong tình trạng tương tự. Khi ở thời điểm tích nước, không thực hiện phát điện, phía sau thân đập là dòng sông khô cạn, trơ đáy.

Theo tìm hiểu của PV, mỗi con sông ở Hà Giang hiện đang phải gánh trung bình từ 3 - 6 thủy điện. Sông Miện chảy qua đất Hà Giang chỉ dài hơn 60 km nhưng có tới 6 công trình thủy điện (Bát Đại Sơn, Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5, Sông Miện 5A và Sông Miện 6) đang cùng khai thác.

Trên đoạn sông Nho Quế chảy qua huyện Mèo Vạc hiện có tới 3 nhà máy thủy điện (Nho Quế 1, 2, 3) cùng hoạt động. Trên sông Lô có 6 thủy điện được quy hoạch, phần lớn đã đi vào khai thác. Ngoài ra trên sông Chảy, sông Chừng, sông Nhiệm, sông Bạc cũng có cả chục thủy điện nhỏ đã và sắp đi vào hoạt động.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250302/images/Thuy-Dien-Song-Mien6.jpg

 

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250302/images/Thuy-Dien-Song-Mien6-01.jpg

Sông Miện đoạn qua nhà máy thủy điện Sông Miện 6 trong tình trạng tương tự, dòng sông gần như ngừng chảy. Ảnh: Việt Bắc.

Việc ồ ạt phát triển hệ thống bậc thang thủy điện trên cùng 1 dòng sông khiến dòng chảy bị thay đổi, môi trường sinh thái bị phá vỡ. Việc tích nước phát điện cũng gây ra tình trạng không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.

Trao đổi với PV, kỹ sư Nguyễn Trọng Phúc - với kinh nghiệm hơn 20 năm vận hành các thủy điện tại miền núi phía Bắc - cho biết, đặc thù sông suối miền núi lưu lượng chảy thấp, nhất là về mùa khô khiến thời gian tích nước lâu, thời gian phát điện ngắn.

Tích nước từ 10-12 tiếng nhưng có khi chỉ chạy máy phát điện được 3-4 tiếng là hết nước. Trong khi đó, giá bán điện giờ cao điểm thường cao gấp cả chục lần giờ thấp điểm nên nhà máy nào cũng tích để phát điện vào lúc cao điểm, kỹ sư Nguyễn Trọng Phúc nói.

Việt Bắc

Link gốc