Pháp muốn tham gia các dự án điện hạt nhân của Việt Nam - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-13 10:02:00
  • OTHER

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250313/images/34385681_0_0_1280_720_1920x0_80_0_0_2578cbf8715f44b252b3dc61a2ea6f80.jpg

Việt Nam sẽ ưu tiên lựa chọn đối tác khi mà chứng minh và cam kết chuyển giao công nghệ trong quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Chiều 12/3, tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet và ông Erkki Maillard, Giám đốc các vấn đề quốc tế và chính phủ, cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Do đó nhu cầu điện phải tăng từ 12-16%/năm.

Cùng với đó, Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, dữ liệu lớn… nên nhu cầu năng lượng điện là rất lớn.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị EDF tiếp tục mở rộng đầu tư, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch tại Việt Nam.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, EDF là tập đoàn năng lượng đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh năng lượng và dịch vụ năng lượng; đã có hợp tác hiệu quả tại Việt Nam thông qua các dự án Nhiệt điện Phú Mỹ 2, Nhà máy điện Sơn Mỹ 1…

Pháp, mà cụ thể là EDF có nhiều kinh nghiệm và công nghệ điện hạt nhân tiên tiến bậc nhất thế giới, Đại sứ nhấn mạnh.

Do đó, để xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, Pháp nói chung và EDF mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, trong lĩnh vực năng lượng, nhất là các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt mong muốn tham gia dự án điện hạt nhân của Việt Nam, ông nói thêm.

Nhất trí với đề nghị của EDF trong phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Riêng về việc phát triển điện hạt nhân, Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam khởi động lại chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại tỉnh Ninh Thuận và được nhiều đối tác quan tâm, mong muốn hợp tác.

Việt Nam sẽ ưu tiên lựa chọn đối tác khi mà chứng minh và cam kết được sẽ cùng với chủ đầu tư của Việt Nam chuyển giao công nghệ trong quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng đề nghị Pháp và EDF nói riêng nghiên cứu, tư vấn và hợp tác với Việt Nam để tham vấn giúp Việt Nam xây dựng các cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân; hợp tác và tư vấn để Việt Nam lựa chọn được công nghệ hiện đại nhất và ưu việt nhất ở thời điểm hiện nay trong lĩnh vực hạt nhân.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị phía Pháp nghiên cứu khả năng hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực; tài trợ vốn ưu đãi cho các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam; đồng thời hợp tác đầu tư sản xuất các thiết bị điện, công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực điện hạt nhân ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục cùng Việt Nam làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, trong đó có hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế…

TTXVN dẫn lời ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận gồm: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Hiện nay, các dự án đã quy hoạch xong địa điểm, xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân… do đó, Việt Nam cần khẩn trương Hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Để đảm bảo hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội vào tháng 5/2025 tới, ngày 10/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã họp với các đơn vị liên quan nghe báo cáo dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sau khi tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị chuyên ngành.

Quang Minh-Link gốc