'Sản xuất là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025' - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-28 09:21:00
- OTHER
Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Việt Nam và Thái Lan, của ngân hàng Standard Chartered, cho rằng ngành sản xuất sẽ góp phần cho phát triển kinh tế Việt Nam vào năm 2025, còn bất động sản có thể cần thêm thời gian để phục hồi rõ hơn.
Ông Tim Leelahaphan vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn và báo chí về câu chuyện liên quan đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 là 6,7%
Chào ông, ông dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay?
Ông Tim Leelahaphan: Tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 dự kiến sẽ đạt 6,7% (7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% trong nửa cuối năm), được thúc đẩy bởi sự mở rộng kinh doanh liên tục trong nhiều năm qua, trong đó đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong các thập kỷ gần đây, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức định kỳ, cũng như đang chuyển mình trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao phát triển mạnh mẽ.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Việt Nam và Thái Lan, ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: Standard Chartered.
Trong nửa đầu năm 2025, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp đà phục hồi từ năm ngoái. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2024, đạt 7,07%.
Bước vào quý II, chúng ta sẽ có thông tin chi tiết về chính sách thương mại của Mỹ đối với các đối tác. Môi trường thương mại toàn cầu có thể không còn thuận lợi như quý I và xuất hiện một số nghi ngại vào nửa cuối năm.
Những lĩnh vực nào sẽ đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế?
Ông Tim Leelahaphan: Lĩnh vực sản xuất tiếp tục cho thấy một số dấu hiệu phục hồi ban đầu và sẽ là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Các dấu hiệu phục hồi cũng đã thể hiện trên thị trường bất động sản, chẳng hạn việc các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tài chính cũng đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bất động sản cần thời thêm thời gian để thể hiện sự phục hồi rõ ràng hơn.
Tiêu dùng, bán lẻ cũng đang cho thấy sự đi lên. Cụ thể, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự tăng trưởng trong doanh số bán ô tô và bán lẻ.
Ba thách thức đối với kinh tế Việt Nam 2025
Đâu là những thách thức lớn hơn đối với nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025, thưa ông?
Ông Tim Leelahaphan: Có một số thách thức chính đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay. Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng 8%, điều đó có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng và lạm phát có thể tiếp tục tăng trong suốt năm 2025. Đây là thách thức đầu tiên.
Thứ hai, môi trường thương mại toàn cầu có thể có những biến động, đặc biệt là trong nửa cuối năm. Điều này cũng sẽ tác động đến Việt Nam vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một phần đến từ xuất khẩu.
Thách thức thứ ba sẽ là về tiền tệ. Tiền đồng đã khá biến động trong thời gian vừa qua. Tỷ giá hối đoái đầu năm ở ở mức 25.500 đồng/USD và sau đó tiền đồng mạnh hơn với 25.300 đồng/USD. Gần đây, với thông tin về chiến tranh thương mại toàn cầu và chính sách thương mại của Mỹ, tiền đồng lại mất giá so với USD và hiện giao dịch ở mức 25.600 đồng/USD.
Tiền đồng biến động có thể dẫn đến khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương khác đang cắt giảm lãi suất và lãi suất ở Việt Nam ở mức thấp trong một thời gian. Nếu lạm phát đảo chiều, tăng cao hơn, khả năng lãi suất ở Việt Nam sẽ tăng.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có hiệu suất tốt nhất trong khu vực và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Việt Nam và Thái Lan, ngân hàng Standard Chartered, đang chia sẻ thông tin liên quan đến kinh tế Việt Nam tại TP HCM ngày 4/2/2025. Ảnh: Standard Chartered.
Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi môi trường thương mại toàn cầu?
Ông Tim Leelahaphan: Nói về thuế quan chung đối với một số sản phẩm như sắt và nhôm, hai mặt hàng này không phải là sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam.
Hãy cùng nhìn lại cuộc chiến thương mại trước đây vào năm 2018-2019. Do thuế quan đối với Trung Quốc, một số doanh nghiệp sau đó đã cố gắng tránh thuế quan bằng cách chuyển đến Việt Nam. Vì vậy, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế vào sản phẩm Trung Quốc, cơ hội có thể đến với các sản phẩm Việt Nam.
Nhưng nếu là thuế song phương, thì điều này đáng lo ngại vì Việt Nam đã có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119,6 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 15 tỷ USD để mua hàng hóa từ Mỹ trong năm ngoái. Do đó, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 104,6 tỷ USD.
Việt Nam có thể bị Chính quyền Mỹ xem xét, áp thuế hoặc cũng có thể sẽ có những cơ hội như trong lần 1 ông Trump lên làm tổng thống Mỹ. Mọi thứ vẫn chưa chắc chắn, và chúng ta vẫn đang phải chờ đợi.
Lời khuyên của ông dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là gì trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay?
Ông Tim Leelahaphan: Việt Nam có mối quan hệ khá tốt với chính quyền Mỹ. Hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững hồi tháng 9/2023.
Các doanh nghiệp Việt nên theo dõi sự biến động của thị trường xuất khẩu, phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa thị trường để tìm kiếm thêm cơ hội.