Thanh tra Chính phủ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc họp về chống tham nhũng - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-27 19:49:00
- OTHER
Nhấn mạnh tại cuộc họp của Nhóm công tác về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC (ACTWG) lần thứ 40, đại diện Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ, kiên trì với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Đoàn công tác liên ngành Việt Nam do ông Lê Quang Linh (thứ 5 từ phải sang), Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) làm Trưởng đoàn tham dự các cuộc họp về chống tham nhũng tại Hàn Quốc. Ảnh: Báo Thanh tra
Tiếp tục chương trình làm việc của đoàn công tác liên ngành Việt Nam tham dự các cuộc họp và hội thảo của APEC ACTWG trong khuôn khổ SOM1 APEC 2025 tại Hàn Quốc, hôm nay (27/2), đại diện Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã có tham luận về các tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Việt Nam luôn coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm
Theo đại diện Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Ban Tổ chức Diễn đàn APEC đã tạo ra cơ hội để các quốc gia cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những vấn đề quan trọng, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham nhũng là một vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, làm suy giảm lòng tin của người dân vào chính phủ và cản trở sự thịnh vượng kinh tế.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hợp tác giữa các nền kinh tế APEC trong công tác phòng, chống tham nhũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam luôn coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện quyết liệt và đồng bộ với cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện UNCAC.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ, kiên trì với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bà Nguyễn Thu Trang (Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ) đại diện đoàn công tác liên ngành Việt Nam chia sẻ tại Cuộc họp APEC ACTWG lần thứ 40. Ảnh: Báo Thanh tra
Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng chống lãng phí
Chia sẻ về những tiến triển cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đại diện Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, năm 2024 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực thi UNCAC của Việt Nam tiếp tục có bước tiến mới, nhất là gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng chống lãng phí.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều luật nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, và nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Cũng trong năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, qua đó xác định được những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng cao nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ gốc.
Tập trung triển khai mạnh mẽ Đề án 06 của Chính phủ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt... góp phần tăng cường công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát quyền lực, kiểm soát xung đột lợi ích và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực theo quy định của Bộ Chính trị.
Nhiều vụ án lớn được đưa ra ra xét xử công khai, nghiêm minh
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, đại diện Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong năm 2024, có 917 vụ/2.418 bị cáo đã bị xét xử về các tội tham nhũng. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 13 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 93 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 366 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 566 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 712 bị cáo..., còn lại là các hình phạt khác. Trong đó có nhiều vụ án lớn được đưa ra ra xét xử công khai, nghiêm minh. Cũng trong năm 2024, Việt Nam đã thu hồi được trên 22.177 tỷ đồng (khoảng 870 triệu USD).
Kết quả trên khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việt Nam đã hoàn thành cả 2 chu trình đánh giá thực thi UNCAC
Về việc thực thi UNCAC, theo đại diện Thanh tra Chính phủ, Việt Nam đã hoàn thành cả 2 chu trình đánh giá thực thi. Báo cáo kết quả đánh giá đối với Việt Nam đã được đăng tải công khai trên trang web của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC). Các chuyên gia của Việt Nam cũng đang phối hợp với Đức tiếp tục đánh giá việc thực thi UNCAC của Áo.
Hiện, Việt Nam tập trung thực hiện các khuyến nghị được đưa ra sau 2 chu trình đánh giá. Để nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC, Việt Nam đang sửa đổi Dự án Luật Giám định tư pháp, Dự án Luật Tương trợ tư pháp; Chính phủ đã trình Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trong đó sẽ luật hóa khái niệm về tài sản ảo (tài sản ảo, tài sản mã hóa).
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu việc xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội tại Việt Nam.
Theo chương trình làm việc, ngày mai, đoàn công tác liên ngành Việt Nam tiếp tục có tham luận về cơ cấu quản trị, hệ thống tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và cơ chế phối hợp với nội dung khái quát hệ thống các cơ quan phòng, chống tham nhũng và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước hiện đang được triển khai ở Việt Nam.
Từ ngày 25/2 đến hết ngày 28/2/2025, đoàn công tác liên ngành Việt Nam gồm đại diện của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ngân hàng Nhà nước tham dự các cuộc họp và hội thảo của Nhóm công tác về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC trong khuôn khổ SOM1 APEC 2025 tại Hàn Quốc.
Hà Anh