Thị trường bán lẻ gặp thách thức từ tâm lý dè chừng của người tiêu dùng - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-03 14:15:13
  • OTHER

Chuyên gia của Savills nhận định những thay đổi của người tiêu dùng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong việc duy trì sức mua và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Năm 2024, các tập đoàn bán lẻ quốc tế như Lotte Group và Central Retail tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Hà Nội. Trong đó có thể kể đến các dự án như Lotte Mall West Lake và TopMarket tại The Linc @ ParkCity. Hay vào tháng 1/2025, AEON Xuân Thủy chính thức khai trương, trở thành trung tâm mua sắm thứ chín của AEON Group tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Savills, đến cuối năm 2025, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng với 140.700m2 nguồn cung bán lẻ mới từ bốn trung tâm mua sắm và ba khối đế bán lẻ. Trong giai đoạn 2026 và 2027, nguồn cung tiếp tục tăng thêm 174.100m2 diện tích sàn cho thuê đến từ bảy dự án. Các dự án trọng điểm bao gồm Ha Noi Center tại 175 Nguyễn Thái Học và Starlake B1CC1 & B1CC2.

Còn tại thị trường TP. HCM, tổng nguồn cung bán lẻ tăng 1% theo quý và 6% theo năm lên 1,6 triệu m2. Nguồn cung mới tập trung ở các khu vực ngoài trung tâm nhờ quỹ đất lớn và sự mở rộng đô thị hóa.

Trong số các giao dịch thuê bán lẻ năm 2024 tại TP. HCM, 88% là sự mở rộng của thương hiệu, tổng diện tích thuê của các thương hiệu mới chỉ chiếm 12%. Khách thuê dịch vụ ăn uống (F&B) dẫn đầu, chiếm gần một phần ba diện tích thuê, tiếp đó là khách thuê thời trang với 24% thị phần và giải trí với 17% thị phần.

Giá thuê trung bình tầng trệt đạt 1,4 triệu đồng/m2/tháng, tăng theo năm ở cả ba khu vực. Chính sách tăng giá hằng năm, giá thuê cao tại dự án mới và các dự án ở khu vực trung tâm đã thúc đẩy sự tăng trưởng. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng và sự tăng trưởng của tầng lớp giàu có, TP. HCM tiếp tục thu hút các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là trong phân khúc ngành xa xỉ.

Trong thị trường tiềm năng và đầy tính cạnh tranh này, việc cập nhật những diễn biến, phân tích chuyên sâu, triển vọng thị trường và các yếu tố trực tiếp tác động đến sự mở rộng của thương hiệu trở thành vấn đề cấp thiết.

Tâm lý thận trọng của người tiêu dùng

Chuyên gia Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành IFM Research, nhận định người tiêu dùng bước sang năm 2025 với tâm lý dè chừng, khi chỉ số niềm tin duy trì ở mức 54% và 41% khách hàng báo cáo khả năng tiết kiệm giảm sút.

Lạm phát tiếp tục tác động mạnh đến hành vi mua sắm khi chi tiêu chủ yếu hướng đến các nhu yếu phẩm như giáo dục, thực phẩm và y tế, trong khi các danh mục không thiết yếu bị cắt giảm. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng nhạy bén với giá, ưu tiên săn khuyến mãi và lựa chọn các giải pháp mua sắm tiết kiệm, mặc dù vẫn có nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp như mỹ phẩm, thời trang và điện tử cá nhân.

Theo chuyên gia Ralf Matthaes, những biến chuyển này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong việc duy trì sức mua và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Theo đó, các thương hiệu cần phải tìm cách cân bằng giữa tối ưu giá, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khai thác hiệu quả phân khúc tiêu dùng cao cấp.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250303/images/lotte-mall-2208.jpg
 

Lotte Mall West Lake tại đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang thương mại điện tử đang định hình lại thói quen mua sắm, đặc biệt là ở nhóm khách hàng trẻ đối với các mặt hàng thiết yếu. Để theo kịp xu thế, doanh nghiệp bán lẻ cần đầu tư vào nền tảng số, tối ưu hóa hành trình khách hàng và xây dựng lòng trung thành qua trải nghiệm mua sắm liền mạch.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành, Savills Việt Nam, đã phân tích về tổng quan vĩ mô, diễn biến của từng phân khúc bất động sản và động lực chính trong thị trường bất động sản Việt Nam.

Trong đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục sôi động với sự mở rộng mạnh mẽ của các chuỗi siêu thị và F&B, nhu cầu tại khu vực trung tâm tăng cao nhờ sự gia nhập của các thương hiệu xa xỉ.

Ở phân khúc khác, ông Neil cũng nhấn mạnh nhiều giao dịch văn phòng đang diễn ra theo xu hướng dịch chuyển ra ngoài khu vực trung tâm, đi cùng với sự gia tăng nguồn cung mới. Lĩnh vực khách sạn khi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhờ nhu cầu du lịch tăng cao trong năm 2024 và nguồn cung tương lai lớn hứa hẹn sẽ tái định hình thị trường trong thời gian tới.

Tại thị trường nhà ở, nguồn cung dần được cải thiện, song giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Thị trường thứ cấp ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt với sự phát triển của các thành phố cấp hai. Theo chuyên gia, các yếu tố như dòng kiều hối và số lượng triệu phú tăng trưởng có những tác động nhất định đến thị trường bất động sản.

Sự tác động của những thách thức pháp lý

Ngoài ra, ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư điều hành Công ty BMVN International LLC, đã chia sẻ những cập nhật quan trọng của luật tác động đến lĩnh vực bán lẻ, bao gồm tác động của cam kết quốc tế, xu hướng địa điểm kinh doanh và ảnh hưởng của việc tái cấu trúc chính phủ.

Ông Hùng cho biết dù theo lộ trình CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), yêu cầu ENT (Economic Need Test - Quy trình Kiểm tra nhu cầu kinh tế) lẽ ra được miễn trừ từ ngày 15/1/2024, nhưng việc bãi bỏ vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Điều này có thể tạo ra những thách thức nhất định cho doanh nghiệp trong hoạt động mở rộng kinh doanh.

Chuyên gia cũng phân tích các thách thức pháp lý liên quan đến địa điểm bán lẻ, từ quyền sở hữu đến sự phức tạp trong cấp phép xây dựng và chứng nhận an toàn cháy nổ. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc của Chính phủ, bao gồm việc sáp nhập Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như điều chỉnh cơ cấu lực lượng quản lý thị trường, dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ.

Mặt khác, chương trình thí điểm phân cấp cấp phép bán lẻ tại TP. HCM được xem là một bước đột phá, mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp bán lẻ trên toàn quốc.

Link gốc