Việt Nam phải làm gì để bứt phá trong cuộc đua AI? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-10 23:18:00
- OTHER
AI đang trở thành trụ cốt lõi của nền kinh tế số toàn cầu và Việt Nam cũng đã xác định AI là mũi nhọn, đột phá. Dù nhiều lợi thế như dân số trẻ, thị trường số lớn và chính sách hỗ trợ, nhưng Việt Nam vẫn đang thiếu một đòn bẩy để kết nối các nguồn lực rời rạc thành một hệ sinh thái bứt phá mạnh mẽ.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức hôm 4/3, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), xác định AI là mũi nhọn, đột phá; có những ưu đãi thuế cho sản xuất chip, bán dẫn, hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu phát triển (R&D). Tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI có hàm lượng công nghệ cao.
Liên quan đến chủ đề này, PGS.TS Phạm Công Hiệp, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Vnbusiness về cơ hội, tiềm năng cũng như những thách thức và giải pháp cho Việt Nam trong những mục tiêu về phát triển AI được đặt ra.
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.
AI đang trở thành yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển công nghệ của nhiều quốc gia. Ông đánh giá thế nào về vị trí của Việt Nam trong cuộc đua AI toàn cầu?
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường AI giàu tiềm năng tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 547,1 triệu USD trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên 1,3 tỷ USD vào năm 2026, theo Statista 2024.
Về mức độ ứng dụng AI, Việt Nam đang có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, Viettel, Vingroup hay VNPT đi đầu triển khai các giải pháp AI ở nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính, y tế, dịch vụ công...
Nhiều dự án AI “sâu” (deep tech) như VinBrain (đã được NVIDIA mua lại cuối năm 2024), FPT AI Center… đang được đầu tư bài bản cả về nghiên cứu và hạ tầng. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tập đoàn toàn cầu như Nvidia, với kế hoạch đầu tư hạ tầng điện toán hiệu năng cao và trung tâm R&D AI tại Việt Nam. Những động thái này khẳng định tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao và cải thiện năng lực AI nội địa.
Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) đã tăng từ 42,8 năm 2020 lên 54,48 trong năm 2023, tương đương mức tăng 27,3%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam nỗ lực và có tiến bộ rõ rệt về năng lực triển khai chính sách và hạ tầng AI.
Tuy nhiên, tính đến năm 2023, thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN lại giảm từ vị trí thứ 3 (năm 2020) xuống thứ 5, cho thấy tốc độ phát triển AI ở một số nước láng giềng đang diễn ra nhanh hơn, đồng thời cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt.
Nhìn vào bức tranh so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy vị trí của Việt Nam đang ở mức “đang lên” nhưng chưa thực sự “dẫn đầu”.
Vậy đâu là những thách thức của Việt Nam khi xây dựng hệ sinh thái AI, thưa ông?
Việt Nam sở hữu một số lợi thế sẵn có để phát triển hệ sinh thái AI. Quy mô thị trường AI ở nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế và thương mại điện tử tăng trưởng nhanh. Theo số liệu từ Statista công bố năm 2024, thị trường AI ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) xấp xỉ 15,8%/năm.
Với hơn 70% dân số sử dụng Internet và khoảng 80 triệu người dùng smartphone, Việt Nam là một thị trường tiềm năng để triển khai các ứng dụng AI trong các lĩnh vực trên. Lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng này là nguyên liệu thô quý giá để huấn luyện các mô hình AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và phân tích hành vi khách hàng.
Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược về chuyển đổi số và AI như Nghị quyết 57-NQ/TW, Chiến lược AI quốc gia. Các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Vingroup, VNPT đều đẩy mạnh đầu tư sâu rộng vào ứng dụng AI và đào tạo nhân lực.
Ngoài ra, sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn nước ngoài như NVIDIA hay các quỹ đầu tư dành cho startup AI cho thấy Việt Nam đang dần trở thành “điểm đến” về công nghệ cao tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên nước ta không tránh khỏi một số thách thức trong quá trình đẩy mạnh AI sâu rộng ở quy mô quốc tế.
Đầu tiên, hạ tầng dữ liệu và điện toán hiệu năng cao (HPC) còn hạn chế. Theo DataCenterMap, Việt Nam mới có khoảng 23 trung tâm dữ liệu tính đến năm 2024, ít hơn đáng kể so với Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Để phát triển AI, cần có hạ tầng mạnh mẽ như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, và khả năng xử lý dữ liệu lớn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài như AWS hay Google Cloud. Hạ tầng nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu về tốc độ và quy mô. Chi phí đầu tư cao cũng là một rào cản lớn.
Chúng ta cũng thiếu hụt vốn đầu tư cho R&D AI và startup. So sánh với các quốc gia ASEAN, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực AI tại Việt Nam vẫn còn thấp. Các con số cho thấy Indonesia và Malaysia dẫn trước đáng kể. Điều này làm hạn chế tốc độ “chuyển hóa” ý tưởng AI thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao.
Nguồn nhân lực AI chất lượng cao cũng còn mỏng. Mặc dù nhân lực IT nói chung rất dồi dào, nhưng nhân lực chuyên sâu về AI các mảng deep learning, AI ethics, HPC… vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng. Việc đào tạo, tuyển dụng và giữ chân nhân tài AI, đặc biệt là nhân sự có kinh nghiệm quốc tế vẫn là bài toán thách thức.
Tỷ lệ “shallow tech” còn cao, “deep tech” chưa mạnh. Theo phân tích về các đóng góp AI, Việt Nam vẫn chủ yếu dừng ở mức độ ứng dụng công nghệ sẵn có (shallow tech), thiếu các dự án mang tính đột phá, tạo ra công nghệ mới.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo ông, những chính sách này có đủ mạnh để thúc đẩy AI trở thành mũi nhọn chiến lược?
Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được ban hành bởi Bộ Chính trị, là một bước đi quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu, trong đó AI đóng vai trò trung tâm. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt lý thuyết, đây là một nền tảng chính sách rất đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, Nghị quyết 57 nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển các công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó AI được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Điều này tạo ra định hướng rõ ràng cho các bộ, ngành và địa phương trong việc phân bổ nguồn lực, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn.
Thứ hai, Nghị quyết đề cập đến việc xây dựng hạ tầng số, bao gồm mạng 5G, trung tâm dữ liệu và hệ thống điện toán đám mây – những yếu tố không thể thiếu để triển khai các giải pháp AI quy mô lớn. Nếu được thực hiện tốt, đây sẽ là bệ phóng để các doanh nghiệp và tổ chức tận dụng AI hiệu quả hơn.
Thứ ba, chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng là một điểm sáng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Singapore, đồng thời thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft hay NVIDIA đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành mũi nhọn, chúng ta cần những chính sách cụ thể, đồng bộ hơn, có tính “đòn bẩy” đủ lớn. Chính sách cần tập trung vào một số điểm như phát triển khung pháp lý về ứng dụng AI trong nhà nước và doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch về quyền trí tuệ, quyền riêng tư và bảo mật thông tin.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho về vốn vay cho phát triển hạ tầng số như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đủ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển của AI, sản xuất chip bán dẫn. Cần có thêm các gói hỗ trợ cụ thể cả ngắn hạn và dài hạn, ví dụ như quỹ đầu tư công cho AI, chính sách “vườn ươm” (sandbox) cho doanh nghiệp khởi nghiệp AI, và cơ chế đầu tư mạo hiểm được khuyến khích.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng AI trong khu vực công nhằm tạo thị trường đủ lớn, xây dựng và chia sẻ dữ liệu quốc gia, làm nền tảng cho doanh nghiệp AI nội địa phát triển. Cần đồng bộ hóa và giám sát thực thi từ trung ương đến địa phương. Có cơ quan điều phối xuyên suốt, cùng cơ chế đánh giá, báo cáo định kỳ để rà soát, điều chỉnh chính sách kịp thời.
Nếu có thể đưa ra một đề xuất duy nhất giúp Việt Nam bứt phá trong cuộc đua AI, ông sẽ đề xuất điều gì?
Nếu tôi có thể đưa ra một đề xuất duy nhất để giúp Việt Nam bứt phá trong cuộc đua AI, đó sẽ là việc thành lập một Liên minh AI Quốc gia – một tổ chức hợp tác công - tư (PPP) quy tụ Chính phủ, các doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học và cộng đồng startup.
Việc thành lập liên minh với hai trọng tâm chính. Thứ nhất xây dựng nền tảng dữ liệu mở quốc gia - một kho dữ liệu số hóa, chuẩn hóa và an toàn để cung cấp nguyên liệu cho các mô hình AI. Thứ hai là phát triển trung tâm AI toàn diện (AI Hub): Một cơ sở tập trung nghiên cứu, đào tạo và thương mại hóa AI, đóng vai trò là bộ não của hệ sinh thái AI Việt Nam.
AI là một cuộc đua không chỉ về công nghệ mà còn về dữ liệu và sự phối hợp. Hiện nay, Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, thị trường số lớn, và chính sách hỗ trợ, nhưng chúng ta đang thiếu một đòn bẩy để kết nối các nguồn lực rời rạc thành một hệ sinh thái mạnh mẽ. Các quốc gia dẫn đầu như Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều có những nền tảng dữ liệu lớn và trung tâm AI tập trung – đây là yếu tố mà Việt Nam cần học hỏi để tạo bước ngoặt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Kiều (thực hiện)