Xe điện Trung Quốc đang 'đe dọa' Ford và GM - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-02 13:55:00
- OTHER
Xiaomi từ hãng smartphone thành gã khổng lồ xe điện: SU7 bán 135.000 xe trong năm, đe dọa Ford, GM ngay trên sân nhà.
Bốn năm trước, Xiaomi chỉ là một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực smartphone, còn mảng ô tô chỉ mới dừng lại ở một kế hoạch trên giấy cùng lời cam kết đầy tham vọng của nhà sáng lập Lôi Quân.
CEO của Xiaomi Lei Jun đã phát biểu tại buổi ra mắt Xiaomi SU7 Ultra tại Bắc Kinh vào thứ năm. Ảnh: Andres Martinez Casares
Năm nay, dây chuyền lắp ráp của Xiaomi dự kiến xuất xưởng 300.000 xe, với hơn 135.000 chiếc đã đến tay khách hàng chỉ sau chưa đầy một năm ra mắt. Mẫu xe đầu tiên của hãng SU7 mang dáng dấp Porsche và có giá khởi điểm khoảng 30.000 USD, hiện đang có danh sách chờ kéo dài đến nửa năm. Cổ phiếu Xiaomi trên sàn Hong Kong cũng đã tăng hơn ba lần trong vòng một năm.
Lôi Quân đã làm được điều mà Tesla, Apple, Ford hay General Motors chưa thể: tạo ra một mẫu xe điện giá rẻ và thu hút thị trường với tốc độ đáng kinh ngạc. Tesla phải mất hơn một thập kỷ mới đạt sản lượng 300.000 xe, trong khi Rivian - hãng xe tải điện 15 năm tuổi chỉ sản xuất được một phần sáu con số đó vào năm ngoái.
Từ doanh nhân công nghệ đến ông trùm xe điện
Lôi Quân, 55 tuổi, là một cái tên quen thuộc tại Trung Quốc với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Ông nổi tiếng với những buổi thuyết trình kéo dài hàng giờ, phong cách không khác gì Steve Jobs. Mới đây, trong một sự kiện, Lôi Quân giới thiệu phiên bản cao cấp của SU7 trị giá 73.000 USD, có thể tăng tốc từ 0 lên 96 km/h chỉ trong chưa đầy hai giây.
Chưa từng sống bên ngoài Trung Quốc, nhưng từ nhỏ, Lôi Quân đã ngưỡng mộ các ông trùm công nghệ Mỹ. Ông từng chia sẻ rằng mình được truyền cảm hứng từ cuốn sách Fire in the Valley (Lửa trong thung lũng) xuất bản năm 1999, kể về hành trình của Steve Jobs và các nhà tiên phong trong ngành máy tính cá nhân tại Thung lũng Silicon.
Lôi Quân còn được mệnh danh là Lei Jobs nhờ phong cách ăn mặc giản dị với quần jeans, giống như cố nhà sáng lập Apple. Ông tích cực sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, đăng hơn 20 video ngắn theo phong cách TikTok trong năm nay, từ quảng bá sản phẩm đến trò chuyện với người hâm mộ.
Giữa một thị trường xe điện Trung Quốc vốn đã quá đông đúc, Lôi Quân vẫn tìm được chỗ đứng riêng. Hiện tại, các hãng xe Trung Quốc sản xuất nhiều ô tô điện hơn toàn bộ các hãng xe còn lại trên thế giới cộng lại. Phần lớn xe này phục vụ nhu cầu trong nước, nơi người tiêu dùng chấp nhận xe điện và hybrid sạc điện nhanh hơn Mỹ. Hãng xe lớn nhất Trung Quốc BYD hiện bán nhiều xe hơn cả Honda.
Trong khi đó, các hãng xe Mỹ như Ford và GM lại đang chậm lại trong cuộc đua xe điện do chi phí pin cao và hệ thống trạm sạc triển khai chậm. Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, từng thừa nhận rằng sự bứt phá của Trung Quốc là một mối đe dọa sống còn.
Apple của Trung Quốc
Hiện Xiaomi chỉ bán xe tại Trung Quốc, nhưng các hãng xe điện khác của nước này đang mở rộng ra toàn cầu, khiến nhiều quốc gia phải có động thái bảo vệ thị trường. Mỹ, EU, Brazil và một số nước đã áp thuế đối với xe điện Trung Quốc.
Dù thị phần còn nhỏ, các hãng xe Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh nhiều hơn tại châu Âu và Đông Nam Á. Một minh chứng rõ ràng: năm ngoái, tại Singapore, nơi vốn là thánh địa của xe Nhật Bản, thương hiệu xe bán chạy nhất lại là BYD của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, đã đặt mua một chiếc Xiaomi SU7 để lái thử tại Mỹ trong sáu tháng. Nó thật tuyệt vời, Farley nhận xét trên một podcast hồi tháng 10. Tôi không muốn trả lại. Ông ví Xiaomi như Apple của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Xiaomi khó có thể tái hiện bên ngoài Trung Quốc. Các hãng xe điện nước này kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng, từ linh kiện đến sản xuất, giúp họ tối ưu chi phí và vận hành hiệu quả hơn so với các đối thủ quốc tế vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu dễ bị gián đoạn. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ và không bị áp lực phải sinh lời ngay lập tức để làm hài lòng nhà đầu tư.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh với mong muốn có một ông lớn ô tô ngay tại địa phương đã hỗ trợ Xiaomi nhanh chóng có được giấy phép sản xuất từ chính phủ trung ương - một điều không hề dễ dàng trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt cấp phép cho các hãng xe điện mới để tránh tình trạng dư thừa.
Bất cứ thứ gì Lôi Quân cần, ông đều có thể tìm thấy ngay trong nước, từ hàng nghìn công nhân xây dựng nhà máy rộng bằng 135 sân bóng đá chỉ trong 19 tháng.
Tôi cần một chỗ ngồi trên bàn chơi
Lôi Quân từng từ chối tham gia ngành ô tô do lo ngại chi phí và rủi ro. Tuy nhiên, vào năm 2021, khi Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ đưa Xiaomi vào danh sách công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc khiến công ty đối mặt với nguy cơ bị cấm đầu tư từ Mỹ, ông đã thay đổi quan điểm. Dù lệnh cấm sau đó bị gỡ bỏ, trải nghiệm này khiến ông quyết tâm mở rộng sang lĩnh vực xe điện để đa dạng hóa Xiaomi.
Khi hội đồng quản trị họp vào tháng 3/2021, Lôi Quân nói: Ô tô sẽ trở thành một phần trong cuộc sống số của con người. Đó là tương lai, và Xiaomi không thể đứng ngoài cuộc. Ông cam kết đầu tư 10 tỷ USD và tự mình lãnh đạo dự án.
Để cắt giảm chi phí, Xiaomi áp dụng chiến lược lợi nhuận thấp, bù lại bằng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ trên xe. Công ty cũng tận dụng mạng lưới các nhà cung cấp do Lôi Quân đầu tư trước đây để đảm bảo nguồn linh kiện với giá cạnh tranh.
Một trong những đột phá giúp Xiaomi tiết kiệm chi phí là công nghệ hypercasting, lấy cảm hứng từ Tesla. Thay vì hàn ghép hàng chục bộ phận, máy đúc áp lực cao của Xiaomi có thể tạo khung xe nguyên khối chỉ trong 100 giây. Nhà máy của hãng sử dụng hơn 700 robot, hoạt động tự động hóa gần như hoàn toàn.
Với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội, Lôi Quân tận dụng chính thương hiệu cá nhân để quảng bá xe, thay vì tốn kém cho quảng cáo truyền thống. Khi SU7 mở bán vào mùa xuân năm ngoái, danh sách chờ đã kéo dài.
Mẫu xe này bị so sánh với Porsche, nhưng Lôi Quân cho rằng thiết kế xe thường có nét tương đồng và chỉ ra những điểm đặc trưng như cụm đèn pha. Gần đây, ông bị bắt gặp lái một chiếc Ferrari Purosangue trị giá 400.000 USD, khiến nhiều người đồn đoán Xiaomi có thể ra mắt một mẫu xe thể thao cao cấp hơn.
Dù hướng đến phân khúc xe giá rẻ, Lôi Quân muốn Xiaomi vươn lên thị trường cao cấp, tương tự chiến lược của Apple. Ưu tiên hiện tại của tôi là có một chỗ ngồi trên bàn chơi, ông nói. Không giống Steve Jobs, tôi thực tế hơn và sẵn sàng học hỏi.
Hải Hà (Theo WSJ)